Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Còn nợ ĐBSCL và nông nghiệp cả nước bốn chữ “phát triển bền vững”

Không vì phát triển nông nghiệp theo số lượng mà đánh đổi môi trường, đó là chính là điều mà chúng ta đã nợ ĐBSCL cũng như nông nghiệp cả nước bốn chữ “phát triển bền vững”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.


Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan đã chủ trì  hội nghị trực tuyến về thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh, đây là hội nghị chuyên đề đầu tiên chuẩn bị cho giai đoạn 2021 - 2025, mở ra câu chuyện giải phóng năng lượng phát triển tiềm năng thật sự của ĐBSCL.
Hiện ĐBSCL đang đóng góp hơn 50% sản lượng nông nghiệp, trên 90% lượng lương thực xuất khẩu và khoảng 70% trái cây của cả nước.
Vùng ĐBSCL cũng đang đứng trước nhiều tác động và thách thức rất lớn do biến đổi khí hậu cũng như nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm đất, nước…, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các nước nhập khẩu đều có xu hướng nâng cao quy định kỹ thuật về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, tạo ra rào cản đối với nông sản nhập khẩu.
Trên thực tế, việc dùng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật được đánh giá chưa hiệu quả khiến chất lượng và giá trị nông sản  khu vực ĐBSCL chưa thực sự bền vững.
Sử dụng phân, thuốc hóa học vẫn tăng cao
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTN cho biết, tính đến tháng 12/2020, tổng số phân bón đã được công nhận lưu hành trong cả nước là 24.491 sản phẩm, trong đó phân vô cơ (hóa học) chiếm 80,4%, phân hữu cơ chiếm 19,6%.
Riêng khu vực ĐBSCL chiếm 21,5%, trong đó phân vô cơ có 4.273 sản phẩm (chiếm 81,1%), phân hữu cơ có 992 sản phẩm (chiếm 18,9%). 
Long An là địa phương có số lượng phân bón được công nhận lưu hành nhiều nhất với 2.403 sản phẩm (chiếm 9,8% so với cả nước và 45,6% so với ĐBSCL). Các địa phương có số lượng phân bón được công nhận lưu hành số lượng thấp là Hậu Giang với 32 sản phẩm, Bạc Liêu chỉ với 7 sản phẩm.  
Tính đến tháng 12/2020, cả nước có khoảng 841 cơ sở sản xuất phân bón với tổng công suất 29,25 triệu tấn/năm. Trong đó, sản xuất phân vô cơ có 576 sơ sở với công suất 25,21 triệu tấn/năm, sản xuất phân hữu cơ có 265 cơ sở với công suất 4,04 triệu tấn/năm. 
Các tỉnh ĐBSCL có 343 cơ sở sản xuất phân với tổng công suất là 5,8 triệu tấn/năm (chiếm 40,8% về số lượng và 19,9% về công suất so với cả nước). Trong đó, phân vô cơ có 241 cơ sở, với công suất 5,06 triệu tấn/năm (chiếm 87,2%), phân hữu cơ có 102 cơ sở với công suất 749,6 nghìn tấn/năm (chiếm 12,9%). 
Trong đó, Long An là tỉnh có số lượng cơ sở sản xuất phân bón nhiều nhất trong cả nước với 202 cơ sở (chiếm 24% so với cả nước và 58,9% so với các tỉnh ĐBSCL) với công suất 3,007 triệu tấn (chiếm 10,28% so với cả nước và 51,7% so với các tỉnh ĐBSCL). 
Sử dụng phân bón vô cơ cao nhất là Bến Tre, Tiền Giang, An Giang và Vĩnh Long
Các tỉnh ĐBSCL sử dụng phân bón trung bình là 1.071 kg/ha, cao hơn 42% so với trung bình cả nước. Tại ĐBSCL lượng phân vô cơ sử dụng trung bình là 754 kg/ha, cao hơn 35,3% so với trung bình cả nước. 
Lượng phân bón vô cơ sử dụng tại các tỉnh ĐBSCL năm 2020
 
 
Các tỉnh sử dụng phân vô cơ cao nhất là Bến Tre, Tiền Giang, An Giang và Vĩnh Long, từ 814 đến 2.177 kg/ha. Thấp là Cà Mau, Trà Vinh, Hậu Giang, Long An, Bạc Liêu và Cần Thơ, sử dụng từ 356 đến 451 kg/ha. 
Năm 2020, ĐBSCL lượng phân hữu cơ sử dụng trung bình là 392 kg/ha. Tính trên đơn vị diện tích gieo trồng, lượng phân hữu cơ sử dụng trung bình tại các tỉnh ĐBSCL chỉ bằng 27,4% so với trung bình cả nước. 
Lượng phân bón hữu cơ công nghiệp sử dụng tại các tỉnh ĐBSL năm 2020
 
Tính đến năm 2020, đã có 4.798 sản phẩm phân hữu cơ được công nhận lưu hành (tăng hơn 6 lần so với năm 2017). Cả nước hiện có 265 cơ sở sản xuất phân hữu cơ với công suất 4,04 triệu tấn/năm.
Lượng phân bón vô cơ và hữu cơ (sản xuất công nghiệp) sử dụng ở Việt Nam giai đoạn 2017-2020
Đối với thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam có 4.021 tên thương phẩm, trong đó thuốc hóa học có 3.287 tên thương phẩm (chiếm 81,74%), thuốc sinh học có 734 tên thương phẩm (chiếm 18,26%).
Hiện cả nước có khoảng 85 công ty có cơ sở sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc BVTV, trong đó 72 cơ sở có sản xuất thuốc sinh học.
Các tỉnh ĐBSCL có cơ sở sản xuất thuốc BVTV nhiều nhất với 52 cơ sở sản xuất. Long An - tỉnh có số cơ sở sản xuất nhiều nhất các tỉnh ĐBSCL và nhiều nhất nước với 42 cơ sở.
Nhìn lại giữa được và mất
Phát biểu tại hội nghị trên, ông Trương Kiến Thọ, Phó giám đốc Sở NN-PTNT An Giang đề nghị, để tiến đến nền nông nghiệp minh bạch và bền vững An Giang cam kết định hướng và các khuyến cáo đến các Chi cục BVTV và trồng trọt, thực hiện quy trình “1 phải 5 giảm SRP” và chuyển đổi số, kết hợp quy canh tác tiên tiến và các công nghệ tiên tiến.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam, muốn giảm sử dụng phân, thuốc hóa học đề nghị nông dân sử dụng phân bón hợp lý theo “5 đúng” của hiệp hội, và cần có mô hình sử dụng phân, thuốc hữu cơ trên cây trồng thực chất và hiệu quả, vì khi tăng sử dụng phan, thuốc hữu cở chắc chắn sẽ giảm lượng phân, thuốc hóa học. Xu thế thế giới ngày càng hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ bền vững
Còn ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam thì cho rằng, bên cạnh hiệu quả phòng trừ sâu bệnh thuốc BVTV hóa học sẽ mang đến những vấn đề về sức khỏe và môi trường. Do vậy, cần sử dụng thuốc BVTV an toàn và hợp lý, phải loại bỏ các loại thuốc độc hại mà thế giới cấm sử dụng và ây dựng các mô hình sử dụng thuốc BVTV trong chuỗi sản xuất sạch. 
“Chúng ta không quá cực đoan từ sử dụng phân, thuốc hóa học chuyển hẳn sang không sử dụng. Đây là điều không thể. Nhật Bản cũng sử dụng phân, thuốc hóa học nhưng họ cân phân liều lượng chính xác.
Không vì phát triển nông nghiệp theo số lượng mà đánh đổi môi trường, đó là chính là điều mà chúng ta đã nợ ĐBSCL cũng như nông nghiệp cả nước bốn chữ “phát triển bền vững”.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan
Nhận định về những ý kiến phát biểu, đặc biệt từ các sở NN-PTNT, Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh rằng "chưa thấy được tâm huyết cũng như nhiệt huyết về phát triển bền vững ở ĐBSCL".
Trong những năm qua, khi thực hiện Nghị quyết 120 phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu của Chính phủ, nông nghiệp ĐBSCL đã chuyển đổi và góp phần vào kỳ tích xuất khẩu nông sản cũng như hình ảnh của nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, cần nghiêm túc nhìn lại những cái được và mất. Câu chuyện hôm nay là ngoài chi phí vật tư đầu vào giống, phân bón, thuốc BVTV còn có những chi phí vô hình đắt giá hơn đó sự bền vững của ĐBSCL, là hệ sinh thái, đa dạng sinh học, sức khỏe của người nông dân.
“Chúng ta không quá cực đoan từ sử dụng phân, thuốc hóa học chuyển hẳn sang không sử dụng. Đây là điều không thể. Nhật Bản cũng sử dụng phân, thuốc hóa học nhưng họ cân phân liều lượng chính xác.
Không vì phát triển nông nghiệp theo số lượng mà đánh đổi môi trường, đó là chính là điều mà chúng ta đã nợ ĐBSCL cũng như nông nghiệp cả nước bốn chữ “phát triển bền vững”.
Qua phát biểu của một số Sở NN-PTNT tôi chưa thấy được tâm huyết cũng như nhiệt huyết về phát triển bền vững ở ĐBSCL. Sở Nông nghiệp - nơi gần gũi với nông dân có thể giúp bà con tiếp cận những mô hình mới của doanh nghiệp, nếu nông dân không thay đổi thì mọi sự vào cuộc của doanh nghiệp, chính quyền kể cả cấp cao nhất cũng không thành công.
Cần đưa phát triển bền vững vào kế hoạch phát triển hàng năm của ngành nông nghiệp của địa phương, và sau mỗi năm đánh giá xem đã giảm được lượng phân, thuốc hóa học ra sao để giảm tác động đến hệ sinh thái, giảm hiệu ứng nhà kính tới đâu. Đó chính là tôi mong muốn ở các Sở Nông nghiệp”, ông Hoan nhấn mạnh.

Nhịp sống doanh nghiệp (H)