Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cọng hành nhỏ xíu làm buồn doanh nghiệp lớn

Minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm có mối liên hệ chặt chẽ với an toàn thực phẩm.


Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khảo sát thực tế tại chợ Bình Điền rạng sáng 17-10.

Ngày 18-10, tại TP.HCM, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam”.

Mất đối tác là hụt doanh nhu

Tại đây, câu chuyện cọng hành do bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, kể đã gây nhiều chú ý. “Cách đây hơn tháng, một doanh nghiệp Hàn Quốc nhờ tôi giới thiệu một công ty của Việt Nam chuyên sản xuất và cung cấp gia vị dùng cho mì gói. Tôi hỏi các ông từng mua gia vị của Trung Quốc, sao giờ tìm tới công ty của Việt Nam? Họ trả lời do không an tâm về chất lượng” - bà Hạnh kể.

Sau đó, bà Hạnh giới thiệu công ty sản xuất gia vị lớn cho doanh nghiệp Hàn Quốc. Hai bên thảo luận khá lâu, doanh nghiệp Hàn Quốc đề nghị được kiểm định chất lượng gói gia vị, đặc biệt là những cọng hành. Sau một hồi bàn bạc nội bộ, công ty từ chối cung cấp gia vị cho doanh nghiệp Hàn Quốc.

“Tôi thắc mắc thì họ giải thích hành lá của Việt Nam do không kiểm soát được khâu trồng trọt nên vẫn tồn tại hiện tượng nhiều nước, khi sấy khô teo lại rất nhỏ. Lúc ăn, đổ nước sôi vô tô mì thì không thấy hành đâu, trong khi người sử dụng mì gói lại rất thích nhiều hành” - bà Hạnh kể tiếp.

“Không riêng cọng hành, chất lượng sầu riêng và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác cũng cần được xem lại. Mất một đối tác đồng nghĩa doanh thu của công ty ít nhiều bị ảnh hưởng” - bà Hạnh nói thêm.

Liên kết sản xuất với tiêu thụ

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, cho biết sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM chỉ đáp ứng được khoảng 20%-30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc qua nhiều đường khác nhau. “Do vậy, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, TP khác trong cung ứng, tạo nguồn thực phẩm cho TP.HCM không chỉ về số lượng mà còn cả chất lượng” - bà Lan nói.

Ký kết đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thực phẩm

Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết hỗ trợ TP.HCM xây dựng và phát triển một số chuỗi giá trị ngành hàng nông lâm thủy sản an toàn, bền vững. Cạnh đó, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cũng ký kết chương trình hợp tác Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thực phẩm, chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ cho người tiêu dùng Việt Nam với Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam.

“Hiện quy mô sản xuất nông nghiệp của Hà Nội thuộc nhóm đầu cả nước. Tuy nhiên, một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản làm ra chỉ đáp ứng 20%-65% tùy theo từng sản phẩm. Lượng hàng hóa còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, TP và nhập khẩu” - đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội trình bày.

Cũng theo vị này, minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm có mối liên hệ chặt chẽ với ATTP. Do khoảng 40%-60% sản phẩm tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội được các tỉnh, TP cung cấp hoặc nhập khẩu nên công tác kiểm tra, truy xuất nguồn gốc được đặc biệt quan tâm.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho rằng chất lượng tạo ra giá trị gia tăng, thương hiệu thực phẩm và sự thịnh vượng của doanh nghiệp. Trong khi ATTP đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng và phát triển thị trường. Minh bạch nguồn gốc thực phẩm tạo niềm tin cho người tiêu dùng. “Đảm bảo chất lượng, ATTP và minh bạch nguồn gốc thực phẩm sẽ phát triển bền vững ngành nông nghiệp và kinh tế xã hội của cả nước” - ông Tiệp đúc kết.

Về giải pháp cải thiện chất lượng, ATTP và minh bạch nguồn gốc thực phẩm, theo ông Tiệp, cần rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật. Huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất với tiêu thụ, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị. Cạnh đó là chuyển giao công nghệ tiên tiến, ứng dụng chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp sinh thái (hữu cơ, tuần hoàn); truyền thông phải minh bạch, chia sẻ thông tin…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh: “Tôi mong tất cả doanh nghiệp có một bộ phận gọi là “kiến tạo và chia sẻ”. Doanh nghiệp hãy cùng kiến tạo và chia sẻ những giá trị liên quan đảm bảo chất lượng, ATTP và minh bạch nguồn gốc thực phẩm cho người tiêu dùng để thay đổi nhận thức về ATTP”.

Đừng nghĩ quản lý ATTP là chuyện của Nhà nước!

Hiện thế giới đang tiếp cận cơ chế cộng đồng đồng quản lý. Do vậy, đừng nghĩ công tác quản lý ATTP tại Việt Nam là chuyện của Nhà nước và của các bộ, ngành, bởi không có Nhà nước, bộ, ngành nào quản lý kịp sự thay đổi, vận động liên tục của xã hội.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện dần những chính sách pháp luật liên quan ATTP. Những vấn đề trước đây chỉ khuyến khích thì sau này sẽ là bắt buộc nếu thấy phù hợp. Bộ NN&PTNT cũng sẽ siết chặt và chuẩn hóa một số quy định liên quan lĩnh vực quản lý ATTP từ trung ương tới địa phương. Mục đích để tránh xảy ra hiện tượng “thầy đổ bóng, bóng đổ thầy”, trên dưới đổ thừa nhau.

Ông LÊ MINH HOAN, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT

Báo Phát luật