Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nội đẩy mạnh sản xuất rau hữu cơ

Thời gian qua, Hà Nội đã hình thành được nhiều mô hình sản xuất, tiêu thụ rau hữu cơ hiệu quả cao, làm tiền đề quan trọng để ngành Nông nghiệp mở rộng diện tích trong thời gian tới.


Mô hình trồng rau hữu cơ của Chi hội Phụ nữ thôn Minh Hồng, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) thu hút nhiều hội viên tham gia.

Ông Tô Văn Định, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Du, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh cho hay, bên cạnh việc phát triển sản xuất rau an toàn, hợp tác xã cũng đã thí điểm xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ an toàn sinh học trên diện tích 2,5ha để hướng tới phân khúc cao của thị trường, nâng cao giá trị hàng nông sản của hợp tác xã. Trên diện tích hơn 2,5ha, hợp tác xã đã tiến hành cải tạo đất, đầu tư trên 1 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà lưới áp dụng mô hình sản xuất rau hữu cơ sinh học. Với mong muốn cung cấp ra thị trường sản phẩm nông sản an toàn vì sức khỏe của cộng đồng, mặc dù quy trình chăm sóc đòi hỏi sự tỉ mỉ, tốn nhiều công sức hơn nhưng giá bán sản phẩm rau hữu cơ của hợp tác xã cũng cao hơn so với sản phẩm rau canh tác theo phương pháp truyền thống. 

Tương tự, Giám đốc Hợp tác xã Rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) Hoàng Thị Hậu cho biết, sản xuất hữu cơ là phương pháp nuôi, trồng, chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm mà không sử dụng bất cứ một loại hóa chất độc hại nào, tạo ra sản phẩm sạch, mang lại giá trị kinh tế cao. Mô hình trồng rau hữu cơ của hợp tác xã triển khai từ năm 2008, đến nay diện tích gieo trồng hữu cơ đã đạt gần 30ha, cho giá trị thu nhập tới hơn 1 tỷ đồng/ha.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, thành viên Hợp tác xã Rau hữu cơ Thanh Xuân thông tin: “Gia đình tôi có hơn 3 sào sản xuất rau hữu cơ các loại, bình quân thu nhập 6,5-7,5 triệu đồng/ tháng. Mặc dù trồng rau hữu cơ rất kỳ công, vất vả nhưng người nông dân rất vui và hạnh phúc vì làm việc trong môi trường sạch và cho thu nhập cao”.

Đánh giá về sự phát triển của các mô hình sản xuất rau hữu cơ trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Phương - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho hay: Để thúc đẩy các mô hình rau hữu cơ phát triển, ngay từ năm 2013, trong khi Bộ NN&PTNT chưa có những hướng dẫn cụ thể về sản xuất rau hữu cơ, nhưng trước những đòi hỏi của thực tế và yêu cầu của công tác quản lý, Sở NN&PTNT Hà Nội đã ban hành “Quy trình tạm thời về sản xuất rau hữu cơ”.

Năm 2017, Sở NN&PTNT Hà Nội đã ban hành 30 quy trình kỹ thuật về sản xuất rau hữu cơ cho một số loại rau chính như: Su hào, rau ngót, rau muống, bí, cải ngọt… Nhờ hiệu quả trên nhiều phương diện kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở lĩnh vực môi trường, mà từ mô hình điểm tại xã Thanh Xuân đã hình thành thêm nhiều mô hình rau hữu cơ ở các địa phương trên địa bàn thành phố như: Thạch Thất, Ba Vì, Gia Lâm…

Nếu như giai đoạn đầu việc tiêu thụ rau hữu cơ còn gặp không ít khó khăn, thì nay đã có nhiều doanh nghiệp, hệ thống phân phối hiện đại tham gia vào lĩnh vực này. Đến nay, tiêu thụ rau hữu cơ trên địa bàn thành phố đã hình thành 29 chuỗi với 41 siêu thị, cửa hàng, đại lý bán rau hữu cơ như: Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển, hệ thống siêu thị AEON Mall, siêu thị Unimart, VinMart…

Hình thức tiêu thụ sản phẩm chủ yếu thông qua hợp đồng thu mua với các siêu thị, công ty, cửa hàng bán rau an toàn theo đơn đặt hàng trực tiếp của các hộ gia đình. Trung bình mỗi tháng các nhóm sản xuất rau hữu cơ tại Sóc Sơn đưa ra thị trường Hà Nội từ 40 đến 50 tấn; Công ty TNHH TM và đầu tư Việt Liên 10-12 tấn; Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc 25-30 tấn…

Giai đoạn 2020-2025, Hà Nội coi việc thúc đẩy mở rộng sản xuất rau hữu cơ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, qua đó góp phần cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho nông dân. Đây sẽ là cơ hội để sản xuất rau hữu cơ trên địa bàn thành phố tăng cả về chất lượng và quy mô sản xuất.

ĐPM (Nguồn: Hà Nội Mới)