Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội tăng 61%

Chiều 29-8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị phổ biến quy định trong xuất khẩu nông sản tại một số thị trường trọng điểm.



Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trong 7 tháng của năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt 102 triệu USD, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt 79 triệu USD.

Một số sản phẩm nông sản mũi nhọn của Hà Nội có chất lượng cao xuất khẩu đi các nước, như: Nhãn muộn Đại Thành - Quốc Oai xuất khẩu đi Mỹ; gạo hữu cơ Đồng Phú xuất khẩu đi Đức; rau Văn Đức xuất khẩu Hàn Quốc; chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc...

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày của các doanh nghiệp tại hội nghị.

Thành phố Hà Nội đã được cấp 16 mã số vùng trồng cây ăn quả và 4 cơ sở đóng gói với công suất 30-50 tấn/ngày/cơ sở để phục vụ xuất khẩu, trong đó 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 8 mã số cấp cho vùng trồng nhãn.

Thời gian tới, thành phố tiếp tục phát triển nhiều sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu: Hơn 7.000ha lúa Japonica; 3.200ha chuối tiêu hồng; hơn 5.000ha rau an toàn; 50ha rau hữu cơ và nhiều sản phẩm chế biến có tiềm năng xuất khẩu...

Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức đánh giá, xếp hạng đối với 1.649 sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); trong đóc có 20 sản phẩm tiềm năng 5 sao xuất khẩu, 1.098 sản phẩm đạt 4 sao, 534 sản phẩm đạt 3 sao, 1.071 sản phẩm thực phẩm được công nhận OCOP.

Tại hội nghị, các chuyên gia đưa ra những thách thức về xuất khẩu tại một số thị trường trọng điểm, như: Năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam còn yếu so với quốc gia thành viên khác; sản phẩm nông sản chế biến chưa đủ hàm lượng giá trị gia tăng đáp ứng quy định các thị trường. 

Đặc biệt, việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược "Zero Covid" trong khi các tỉnh biên giới phía Bắc còn chậm trễ đầu tư về hạ tầng logistics (bến bãi, điểm trung chuyển, kho lưu trữ hàng hóa đạt chuẩn quốc tế...) dẫn đến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Hòa cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường xuất khẩu nông sản, các địa phương cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại để sản phẩm nông nghiệp chưa có thị trường sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, có giá trị như: Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc... với phương châm là đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa diễn ra tại khu vực cửa khẩu...

Cùng với đó, tích cực triển khai chủ động, có hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - châu Âu (EVFTA) và các hiệp định song phương với các nước tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng, hội, doanh nghiệp, hợp tác xã... thực hiện nghiêm việc đáp ứng quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản; đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp...

Hà Nội mới