hực hiện tốt “sứ mệnh” để bảo vệ sức khỏe Nhân dân
- 30 năm kể từ khi thành lập, NAFIQPM đã có vị trí, vai trò rất lớn trong sự phát triển không ngừng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Xin ông chia sẻ những đóng góp ấn tượng, đáng nhớ của NAFIQPM?
- Với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng có những bước phát triển vượt bậc, góp phần nâng cao đời sống người dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đồng thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Từ một nước kém phát triển về nông nghiệp, phải nhập khẩu lương thực; Việt Nam hiện nay trở thành một trong những nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu thế giới với tổng kim ngạch đạt trên 53 tỷ USD năm 2023, tiếp cận đến trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp tích cực của NAFIQPM trong lĩnh vực bảo đảm chất lượng, gia tăng chế biến và mở rộng, phát triển thị trường, đúng như tên gọi của hệ thống.
NAFIQPM viết tắt của National Authority for Agro - Forestry - Fishery Quality, Processing and Market Development - Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thuộc Bộ NN và PTNT.
Với sứ mệnh “bảo đảm nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng”, những năm qua, bên cạnh tham mưu và phổ biến cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực, NAFIQPM đã phối hợp với các cơ quan Bộ ngành trung ương, địa phương; đồng hành với người dân và doanh nghiệp tổ chức triển khai nhiều đề án, dự án về bảo đảm ATTP, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chương trình giám sát, thanh tra, kiểm tra về ATTP; các chương trình hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, phát triển trị trường;… Đến nay, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP đạt trên 99%; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết bảo đảm ATTP đạt trên 92%; tỷ lệ mẫu lấy giám sát trên diện rộng đạt ATTP đạt 97,4%;… Có thể khẳng định, trong tiến trình phát triển của mình, NAFIQPM đã thực hiện tốt các nhiệm vụ để góp phần bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm an toàn, chất lượng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần hoàn thành kế hoạch của toàn ngành Nông nghiệp.
- Với những đóng góp đó, NAFIQPM giờ đã trở thành “thương hiệu uy tín” không chỉ trong nước mà còn với các đối tác thương mại, các tổ chức quốc tế. Những điều kiện nào đã giúp NAFIQPM hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, thưa ông?
- Tôi có thể khẳng định, trong 30 năm qua, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của NAFIQPM đã tổ chức thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ NN và PTNT. Uy tín của NAFIQPM ngày càng được nâng cao không chỉ trong nước mà còn tại các nước đối tác thương mại, các tổ chức quốc tế. Để làm được điều đó, chúng tôi có đội ngũ cán bộ làm việc tận tụy với phương châm “Nghiệp vụ tinh thông; kỹ năng tinh xảo, kinh nghiệm tinh rèn”, trên nền văn hóa “đoàn kết, tận tâm, cầu thị, tương hỗ, hội nhập và sáng tạo”.
Trước yêu cầu phát triển của ngành, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị làm việc, kiểm tra, kiểm nghiệm của NAFIQPM được đầu tư ngày càng hiện đại. Bên cạnh đó, với nguồn lực đầu tư của Nhà nước và các dự án hỗ trợ quốc tế như: US/Vie/93/058, SEAQIP, FSPS… đã giúp NAFIQPM nhanh chóng xây dựng được đội ngũ cán bộ kiểm nghiệm, thẩm định, thanh tra vừa có trình độ chuyên môn sâu, vừa có kỹ năng làm việc theo tiêu chuẩn quốc tế cùng với hệ thống 7 phòng kiểm nghiệm với trang thiết bị có khả năng kiểm nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu về chất lượng, ATTP đạt chuẩn quốc tế.
Tập trung vào “4 trụ cột”
- Là lãnh đạo trực tiếp 2 nhiệm kỳ của NAFIPQM, cũng là người gắn bó với ngành nông nghiệp nhiều năm, ông hẳn có nhiều “trăn trở” đối với sự trưởng thành của NAFIQPM nói riêng và sự phát triển của ngành nông nghiệp nói chung?
- Việt Nam đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chuyển định hướng từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Không chỉ riêng tôi mà những người làm trong ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp nông nghiệp, bà con nông dân cũng rất nhiều trăn trở làm sao để các sản phẩm nông, lâm, thủy sản ngày càng gia tăng về số lượng, bảo đảm chất lượng, khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Như đã nói ở trên, sứ mệnh của NAFIQPM là “bảo đảm nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng” và chúng tôi sẽ luôn nỗ lực để thực hiện tốt sứ mệnh đó. Tôi cho rằng, bảo đảm chất lượng ATTP là hành trình liên tục, không có điểm dừng, không có vạch đích và không có chỗ cho sự thỏa mãn. Bởi, chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản được nâng cao chính là thành tố không thể thiếu để góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân. Chất lượng sản phẩm cũng là yếu tố cốt lõi tạo ra giá trị và vị thế của mỗi ngành hàng, tạo thịnh vượng cho mỗi quốc gia.
- Xin ông chia sẻ những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng mà NAFIQPM sẽ thực hiện trong tương lai để góp sức vào mục tiêu phát triển bền vững ngành nông nghiệp và tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn với thế giới?
- Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, NAFIQPM đã nhanh chóng định hướng mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới tập trung vào 4 “trụ cột”, gồm: Bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản; kích hoạt gia tăng chế biến trong từng chuỗi giá trị ngành hàng; chủ động đàm phán tiếp cận, mở rộng thị trường; thúc đẩy phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, truyền thông quảng bá phát triển thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Để triển khai mục tiêu trên, chúng tôi đã sớm xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm ưu tiên nguồn lực triển khai trong thời gian tới. Theo đó, NAFIQPM sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật đồng bộ, gắn kết công tác bảo đảm chất lượng, ATTP, chế biến với phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản; hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho hoạt động chuẩn hóa chất lượng, bảo đảm ATTP làm cơ sở xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phương thức quản lý dựa trên nguy cơ, kiểm tra, thanh tra đột xuất, phối hợp liên ngành nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố chất lượng, ATTP, gian lận thương mại tạo môi trường bình đẳng thuận lợi cho sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản; chủ động phối hợp với các đơn vị trong đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và. Đồng thời, tăng cường cập nhật, phổ biến và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đáp ứng quy định của thị trường và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Xin cảm ơn ông!