Vụ việc cho thấy, mối lo về an toàn thực phẩm vẫn hiện hữu, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân để ngăn chặn triệt để tình trạng buôn bán thực phẩm bẩn.
Lực lượng chức năng kiểm tra thịt lợn không có giấy tờ kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ tại các ki ốt ở chợ Phùng Khoang (phường Đại Mỗ). Ảnh: Công an cung cấp
Bất cập trong công tác quản lý
Ba vụ án “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” xảy ra tại xã Thường Tín và các chợ đầu mối Tân Mai, chợ Phùng Khoang (Hà Nội). Các cá nhân vi phạm đã tổ chức hoạt động giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh...
Qua công tác kiểm tra đột xuất và thực hiện nghiệp vụ, các lực lượng chức năng đã phát hiện tổng số 977kg hàng hóa vi phạm không có giấy tờ kiểm dịch, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, kết quả xét nghiệm cho thấy một số mẫu thịt và nội tạng dương tính với vi rút bệnh Dịch tả lợn châu Phi (ASF) - một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, sản phẩm từ lợn mắc bệnh không được phép sử dụng làm thực phẩm và buộc phải tiêu hủy theo quy định pháp luật.
Các đối tượng khai nhận từ năm 2023 bắt đầu mua gom lợn ốm yếu, lợn chết từ các đầu nậu, rồi tổ chức giết mổ không phép. Trung bình mỗi ngày giết mổ hơn 50 con lợn, sau đó bán ra thị trường với giá khoảng 60.000 đồng/kg thịt. Nhiều sản phẩm đã được tiêu thụ vào các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Hà Nội. Với thủ đoạn thu mua lợn bệnh giá rẻ từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg hơi, sau đó giết mổ bán ra từ 55.000 đến 60.000 đồng/kg, các đối tượng thu lợi bất chính khoảng 70-80 triệu đồng mỗi tháng.
Một trong những nguyên nhân khiến các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm có thể qua mắt cơ quan chức năng, ngoài sự tinh vi, thủ đoạn, bất chấp đạo đức, cố tình vi phạm pháp luật của các đối tượng, còn phải kể đến nguyên nhân là việc triển khai hệ thống cơ sở giết mổ tập trung chưa đạt yêu cầu đề ra, công tác kiểm soát còn nhiều lỗ hổng. Báo cáo kết quả khảo sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố mới có 3/8 cơ sở giết mổ tập trung được đầu tư, xây dựng và đi vào hoạt động, tuy nhiên, công suất hoạt động mới đạt khoảng 40% công suất thiết kế...
Hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn 701 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tồn tại trong khu dân cư chưa được kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường và không bảo đảm an toàn thực phẩm. Đây cũng là nguy cơ gây nên tình trạng vận chuyển thịt gia súc, gia cầm không bảo đảm an toàn thực phẩm, chưa được kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách an toàn thực phẩm còn mỏng so với khối lượng và yêu cầu công việc, không có cán bộ chuyên trách an toàn thực phẩm thuộc chức danh công chức xã. Năng lực kiểm nghiệm của các phòng kiểm nghiệm còn phân tán, chưa đồng đều, thiếu trang thiết bị hiện đại.
Cần thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm
Hà Nội là đô thị đặc biệt, đông dân cư nên nhu cầu tiêu dùng thực phẩm rất lớn. Số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn lên đến hơn 80.000 cơ sở. Trong khi đó, tổng số cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm toàn thành phố chỉ hơn 10.000 người, bao gồm 250 cán bộ chuyên trách, còn lại là người kiêm nhiệm. Lực lượng mỏng, địa bàn rộng, vì vậy, để quản lý chặt chẽ, rất cần sự đồng hành của cộng đồng. Nói cách khác, phải phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong phối hợp thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Từ các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm liên tiếp được phát hiện thời gian gần đây, yêu cầu đặt ra là các cấp ủy, chính quyền địa phương phải quan tâm đúng mức, quyết liệt trong việc quản lý, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, xây dựng thói quen tiêu dùng bảo đảm an toàn, quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, để bảo đảm an toàn thực phẩm cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh. Đặc biệt, phải đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành Y tế, Nông nghiệp, Công Thương trong quản lý an toàn thực phẩm, bảo đảm sự đồng bộ trong cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và công tác hậu kiểm.
Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn là cuộc chiến lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ trong phát hiện và xử lý các vi phạm. Để hạn chế các vi phạm về an toàn thực phẩm, cần điều chỉnh một số quy định về xử phạt theo hướng tăng nặng đối với các hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời, cần có cơ chế đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, nhằm sớm phát hiện các vi phạm. Cùng với đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát định kỳ, đột xuất, đặc biệt là phải kiên quyết xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng:
Cần có những giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ hơn
Sự bùng nổ của thương mại điện tử và các ứng dụng giao đồ ăn nhanh đặt ra nhiều thách thức mới trong việc kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Các chế tài xử phạt hiện hành, kể cả khi đã được nâng lên gấp đôi theo Luật Thủ đô, dường như vẫn chưa đủ sức răn đe do lợi nhuận từ gian lận thương mại quá lớn. Do đó, để giải quyết triệt để vấn đề này, cần có những giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ hơn. Theo đó, phải sớm sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, nhất là siết chặt quản lý sản phẩm tự công bố và bắt buộc áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, cần nghiên cứu các chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn. Chúng ta có thể gắn trách nhiệm của đơn vị, cá nhân vi phạm với mã định danh cá nhân, đình chỉ vĩnh viễn quyền kinh doanh, xử lý hình sự đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng.
Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và thú y (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) Nguyễn Đình Đảng:
Tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát
Ở một số địa phương vẫn còn những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không được cấp phép hoạt động, không được kiểm soát giết mổ theo quy định. Điều này dẫn đến tình trạng buôn bán, giết mổ, chế biến động vật bị ốm, chết, mắc bệnh truyền nhiễm để làm thực phẩm, không chỉ gây mất an toàn thực phẩm mà còn làm lây lan dịch bệnh động vật và gây ô nhiễm môi trường.
Để tăng cường công tác quản lý giết mổ động vật, trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và thú y Hà Nội sẽ tích cực phối hợp với các lực lượng liên quan kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm những cơ sở giết mổ vi phạm, từng bước đưa công tác giết mổ động vật vào nền nếp, góp phần giảm dịch bệnh và bảo đảm an toàn thực phẩm khi lưu thông ra thị trường...
Bà Nguyễn Thị Hồng Dương (phố Ngụy Như Kon Tum, Hà Nội):
Mong quản lý thực phẩm chặt chẽ, hiệu quả hơn
Việc cơ quan Cảnh sát điều tra vừa khởi tố 3 vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” đối với một số cá nhân vi phạm trong hoạt động giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh phần nào cho thấy hiệu quả của công tác kiểm tra đột xuất, nắm tình hình địa bàn, tổ chức lực lượng trinh sát, thu thập tài liệu, chứng cứ.
Bản thân tôi là người chăm lo nội trợ chính trong gia đình, thực sự mong muốn công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô cần chặt chẽ và hiệu quả hơn. Tôi nghĩ, vấn nạn vi phạm an toàn thực phẩm có thể giảm nếu cộng đồng xã hội cùng vào cuộc, kịp thời tố giác các hành vi giết mổ, kinh doanh thịt không bảo đảm an toàn thực phẩm ngay từ cơ sở.
(Nguồn: https://hanoimoi.vn)