Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cần một chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường nội địa

Việt Nam cần một chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng nông sản phục vụ cho thị trường nội địa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu nông sản.


Bộ NN-PTNT sẽ gắn kết các vùng nguyên liệu với chuỗi cung ứng nông sản phục vụ thị trường nội địa.

Tính cấp thiết

Hiện nay xu hướng của thị trường thực phẩm trên thế giới xuất hiện những cách tiếp cận nông sản khác nhau. Có những chuỗi cung ứng nông sản sạch, tươi sống dành riêng cho việc phục vụ tiếp cận với những thị trường lớn. Cũng có những chuỗi cung ứng nông sản phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến, sản phẩm bảo quản…

Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã xây dựng được những mô hình, chuỗi cung ứng nông sản đảm bảo được các yêu cầu khắt khe trong khâu chế biến, bảo quản kho lạnh, vận tải, logictics và kết nối thị trường.

Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh về nông sản với quy mô dân số lớn. Hiện nay ngành nông nghiệp Việt Nam đã có chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng nông sản phục vụ thị trường xuất khẩu nhưng lại chưa có chuỗi cung ứng dành riêng cho thị trường nội địa, hỗ trợ nâng cao năng lực chế biến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vai trò của những chuỗi cung ứng nông sản của Việt Nam, ngoài việc phục vụ cho xuất khẩu còn là cầu nối giữa nông thôn và đô thị, qua đó thúc đẩy quá trình đô thị hóa bằng sự kết nối vùng miền.

Từ những cơ sở đó, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần có một chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng nông sản phục vụ thị trường nội địa, giúp nâng cao năng lực chế biến quy mô vừa và nhỏ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có những tác động không nhỏ đến việc tiêu thụ nông sản.

Từ đó có thể xây dựng những mô hình điển hình đáp ứng được các yêu cầu về tổ chức sản xuất, về xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi giá trị, logictics, kiểm soát chất lượng… và nhân rộng những mô hình ấy ra các vùng, các địa phương.

Việc nâng cao năng lực chế biến cần gắn liền với thế mạnh của địa phương trong từng lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp... song hành cùng vai trò kinh tế tập thể của các hợp tác xã nông nghiệp và liên kết với các doanh nghiệp để tạo dựng thành một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh.

Mục tiêu chính của chuỗi cung ứng nông sản là tháo gỡ những nút thắt, những điểm nghẽn vẫn đang tồn tại trên thị trường nội địa hiện nay thông qua 2 điểm mấu chốt. Mấu chốt thứ nhất liên quan đến hệ thống logictics, hệ thống kiểm soát, kiểm tra chất lượng nông sản của Việt Nam hiện nay. Mấu chốt thứ hai là áp dụng công nghệ vào việc tiêu thụ nông sản trong bối cảnh những hình thức phân phối sản phẩm nông nghiệp mới đang dần thay thế cho hệ thống phân phối hiện hành.

Mắt xích quan trọng nhất trong các chuỗi cung ứng là vấn đề xử lý thông tin trên cơ sở những hệ thống chuyển đổi số, công nghệ số, đảm bảo chuỗi được vận hành một cách hiệu quả, khoa học.

Đánh giá về chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng nông sản phục vụ thị trường nội địa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết Bộ NN-PTNT sẽ hỗ trợ về kĩ thuật, chuyên môn, đồng thời gắn kết các vùng nguyên liệu với chuỗi cung ứng nông sản.

“Bên cạnh đó, chiến lược cũng cần sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Khoa học Công nghệ về công nghệ và chỉ dẫn địa lý trong khâu chế biến. Sản phẩm đầu ra sẽ được gắn với những doanh nghiệp, tập đoàn lớn tại địa phương để triển khai tiêu thụ. Các ngân hàng chính sách sẽ hỗ trợ tín dụng ưu đãi”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định

Vai trò chính của các sản phẩm OCOP

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, hiện nay nhu cầu về sơ chế và chế biến nông sản rất lớn, đặc biệt là đối với những sản phẩm OCOP.

“Việc phát triển những nhóm sản phẩm nông sản mới chắc chắn phải dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là vấn đề chế biến, phát triển ra những sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng”, ông Nguyễn Minh Tiến nói.

Chế biến nước cốt chanh leo của Tập đoàn Nafoods. Ảnh: Tùng Đinh.

Chế biến nước cốt chanh leo của Tập đoàn Nafoods.

Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương phân tích: “Hiện nay trong số 4.765 sản phẩm OCOP chỉ có 8% là sản phẩm mới. Mục tiêu trong thời gian tới của chúng ta là phấn đấu có trên 30% sản phẩm mới. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là trong vấn đề sơ chế, chế biến sẽ là một trong những chìa khóa để giải quyết được nút thắt đó. Điển hình đối với những sản phẩm OCOP hay những sản phẩm quy mô nhỏ, không thể thu gom số lượng lớn về các trung tâm mà chủ yếu là phải xử lý sơ chế, chế biến tại chỗ".

Cũng theo ông Tiến, hiện nay khâu bảo quản có rất nhiều công nghệ quy mô như cấp đông, đông lạnh, xử lý để giữ được chất lượng tốt cho nông sản. Đối với các sản phẩm trái cây, rau, củ, quả, việc sơ chế và chế biến trong 3 tiếng đầu tiên sau khi thu hoạch sẽ quyết định đảm bảo dinh dưỡng cũng như giá trị của sản phẩm.

“Vấn đề được đặt ra là các doanh nghiệp không thể điều những xe container lớn để vận chuyển nông sản nhỏ lẻ về trung tâm hàng ngày. Từ đó bắt buộc phải có những hệ thống sơ chế, chế biến hoặc hệ thống bảo quản đủ điều kiện đảm bảo chất lượng của nông sản sau thu hoạch”, ông Nguyễn Minh Tiến nhận định.

 

Nông nghiệp Việt Nam (T)