Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ngành Nông nghiệp Thủ đô: Nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ đến kinh tế nói chung và ngành Nông nghiệp Thủ đô nói riêng, chưa kể dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Tuy vậy, kinh tế nông nghiệp Hà Nội vẫn duy trì tăng trưởng đồng đều trong 6 tháng đầu năm 2021. Phát huy kết quả này, ngành Nông nghiệp Thủ đô đang nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng 4,2% trong năm nay.


Chăm sóc gà tại Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ).

Ngành Nông nghiệp Thủ đô đang nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng 4,2% trong năm 2021.

Gắn sản xuất với thị trường

Từ đầu năm đến nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, huyện Thanh Oai đã chủ động điều chỉnh kế hoạch tổ chức sản xuất đối với các nhóm cây trồng, vật nuôi để phù hợp tình hình thực tế. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, từ việc gắn sản xuất với nhu cầu thị trường, nông nghiệp Thanh Oai đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, giá trị sản xuất của ngành trồng trọt đạt 381,9 tỷ đồng; chăn nuôi đạt 493 tỷ đồng; thủy sản đạt 76,6 tỷ đồng. Nhóm cây trồng như rau an toàn, lúa chất lượng cao đã có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ hiệu quả; lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có những mô hình khép kín, quy mô lớn.

Cũng từ việc chủ động kế hoạch sản xuất gắn với phòng, chống dịch bệnh, 6 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Đông Anh đạt 1.151 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng thông tin: Để thúc đẩy tăng trưởng, huyện đã hỗ trợ về giống, kỹ thuật; hướng dẫn người dân chủ động canh tác nhóm cây trồng có giá trị cao và sản xuất căn cứ vào nhu cầu thị trường. Với lĩnh vực trồng trọt, năng suất cây trồng đạt và vượt so với cùng kỳ, trong đó, lúa đạt 60 tạ/ha, tăng 3,9 tạ/ha; rau các loại ước đạt 255,9 tạ/ha, tăng 1,3 tạ/ha... Trong lĩnh vực chăn nuôi, tổng đàn lợn thời điểm hiện tại của huyện đã lên tới 48.605 con, tăng 9.900 con, bằng 125,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự Thanh Oai và Đông Anh, hầu hết các địa phương trên địa bàn thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện dịch bệnh. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước: Năng suất lúa xuân đạt 61,19 tạ/ha (bằng 102,55%); sản lượng thủy sản đạt 53,59 nghìn tấn (bằng 102,96%). Thời điểm hiện tại, đàn gia cầm của thành phố đã lên tới 40,18 triệu con (bằng 103,18%), đàn lợn là 1,337 triệu con (bằng 113,67%)... “Tăng trưởng đều trong nhiều lĩnh vực đã khẳng định sự điều chỉnh phù hợp của ngành Nông nghiệp Thủ đô, qua đó bảo đảm vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường nhận định.

Đồng bộ các giải pháp

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 4,2% trong năm nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Bởi thời điểm từ nay đến cuối năm mưa bão diễn ra hết sức khó lường, trong khi đó dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thị trường tiếp tục chịu tác động từ dịch Covid-19...

"Thời gian tới, với các nhóm cây trồng, Hà Nội tập trung phát triển rau quả chất lượng cao cung ứng cho thị trường Thủ đô và các tỉnh, thành phố, nhất là vào cuối năm. Trong lĩnh vực chăn nuôi, thành phố sẽ đẩy nhanh việc tái đàn; áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm và chỉ tiêu tăng trưởng", Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho hay, Thanh Oai sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm, thủy sản; phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp…

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản thông tin: Để đưa giá trị sản xuất nông nghiệp cả năm của huyện lên 1.647 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm trước, cùng với việc tập trung chỉ đạo sản xuất vụ mùa, vụ đông theo kế hoạch, Thường Tín sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Huyện cũng tạo cơ chế hỗ trợ, bố trí thời vụ gieo trồng bảo đảm cấy hết diện tích; xây dựng các điểm khảo nghiệm giống cây trồng, vật nuôi...

Tiếp tục mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất, theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Vũ Thị Huyền, vụ mùa và vụ đông năm nay, hợp tác xã sẽ mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao, mở rộng thêm 3ha sản xuất rau hữu cơ để cung ứng cho thị trường. Cùng với đó là tập trung chăm sóc các vườn bưởi Diễn đã cho thu hoạch để nâng cao năng suất, giá trị nhóm sản phẩm này.

Thúc đẩy sản xuất theo nhu cầu thị trường, phát triển các chuỗi liên kết, ổn định đầu ra cho sản phẩm..., chắc chắn Nông nghiệp Hà Nội sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 4,2% trong năm nay.

Hà Nội mới (T)