Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc: Doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin kịp thời

Trung Quốc có dân số hơn 1,4 tỷ người là thị trường rộng lớn, nhu cầu tiêu thụ nông, lâm, thủy sản rất cao. Tuy nhiên, việc xuất khẩu hàng nông sản vào thị trường này cũng đối mặt với không ít thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm bắt thông tin kịp thời, thích ứng linh hoạt với những thay đổi của thị trường... Đó là vấn đề được đưa ra tại Hội nghị quảng bá, kết nối, xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc diễn ra ngày 25-10 do Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp Văn phòng SPS Việt Nam và Bộ NN&PTNT tổ chức.



Còn nhiều khó khăn

trung-quoc-1.jpeg
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Minh Phú

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng, trong những năm qua, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, tạo nguồn nguyên liệu có sản lượng lớn, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu với 35 vùng lúa (trong đó có 7.000ha lúa Japonica), 104 vùng rau (trong đó có hơn 5.000ha rau an toàn và 100ha rau hữu cơ), 56 vùng cây ăn quả (trong đó có 32.000ha chuối tiêu hồng), 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 162 vùng chăn nuôi trọng điểm, tập trung... Hà Nội cũng có hơn 1.700 cơ sở chế biến sâu nông sản, thực phẩm; 250 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản... Sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội rất đa dạng, phong phú, có nhiều sản phẩm qua chế biến sâu, bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế…

Trong 9 tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố phục hồi ấn tượng, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 44,9 tỷ USD (kim ngạch xuất khẩu đạt 14,4 tỷ USD, tăng 16,8%). Trong đó xuất khẩu nông, lâm sản của Hà Nội đạt 1,7 USD (hàng nông sản đạt 1,1 tỷ USD, tăng 42,9% so với cùng kỳ).

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Việt Nam Asean Trần Tuấn Minh cho rằng, Trung Quốc có thị trường 1,4 tỷ người, với tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh, nhu cầu về nông sản và thuỷ sản lớn. Trong khi đó, đường biên giới trên bộ, khả năng giao thương qua 14 cửa khẩu, giúp doanh nghiệp Việt Nam có chi phí vận chuyển thấp và khả năng đáp ứng nhanh chóng hơn các quốc gia khác. Tuy vậy, những thách thức trong xuất khẩu đối với Việt Nam cũng không hề nhỏ. Hạ tầng giao thông trong nước còn hạn chế, ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển và chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, hoạt động thông quan tại các cửa khẩu chưa đáp ứng so với lượng hàng hoá xuất khẩu. Đặc biệt, biến động về chính sách thương mại, các quy định và chính sách nhập khẩu của Trung Quốc thay đổi thường xuyên, đòi hỏi doanh nghiệp của Việt Nam phải cập nhật kịp thời…

trung-quoc.jpeg
Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức, huyện Gia Lâm mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Minh Phú

Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức, huyện Gia Lâm hiện có vùng sản xuất 285ha, trong đó diện tích trồng rau gần 200ha. Ước sản lượng mỗi năm, hợp tác xã cung ứng ra thị trường 35.000 tấn rau. Chị Đinh Thị Luyến, Phó Giám đốc Hợp tác xã cho biết: “Chúng tôi có vùng trồng cải thảo lớn, rất mong muốn được kết nối tiêu thụ sản phẩm sang Trung Quốc, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Cùng với chị Luyến, anh Vũ Xuân Hưng, Giám đốc Kinh doanh Công ty yến sào Kon Tum cho biết: Công ty có nhà dụ yến và cơ sở chế biến đặt tại tỉnh Kon Tum và có văn phòng kinh doanh đặt tại Hà Nội. Hiện Công ty có dây chuyền sản xuất 65.000 hũ yến chưng/ngày. Từ đầu năm 2024 đến nay, công ty bắt đầu có sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng số lượng còn hạn chế. Đơn vị mong muốn được hiểu hơn về thị trường Trung Quốc để mở rộng xuất khẩu.

Nắm bắt thông tin kịp thời

Tại Hội nghị quảng bá, kết nối, xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc diễn ra ngày 25-10 do Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Văn phòng SPS Việt Nam và Bộ NN&PTNT tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển thị trường Trung Quốc, việc nắm bắt thông tin kịp thời và thích ứng linh hoạt với những thay đổi ở thị trường này là vô cùng cần thiết để duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu.

Ông Lò Văn Quyết, đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu, Trung Quốc cho biết, Việt Nam là nước đứng thứ 8 về xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Theo thống kê của cơ quan Hải Quan, xuất nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc năm 2023 là 171,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 61,2 tỷ USD. Việt Nam có một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc, là: Máy tính, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện. Bên cạnh đó, có hàng rau, quả, xơ sợi, gỗ và các sản phẩm từ gỗ… cũng chiếm vị trí khá lớn. Việt Nam hiện là đối tác thương mại đứng thứ 6 của Trung Quốc và là đối tác thương mại lớn nhất trong khu vực Asean. Tuy nhiên, để “vào” được thị trường Trung Quốc, đòi hỏi các doanh nghiệp của Việt Nam phải nắm bắt thông tin kịp thời và thích ứng linh hoạt với thị trường này.

Ông Trần Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Việt Nam Asean đề xuất giải pháp các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế tại Trung Quốc, bởi đây là cơ hội để giới thiệu sản phẩm, gặp gỡ đối tác và hiểu rõ hơn nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, phát triển kênh thương mại điện tử, tận dụng các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc để tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng, giảm chi phí phân phối. Các doanh nghiệp nên chủ động trong việc hoàn tất các thủ tục pháp lý để có thể xuất khẩu chính ngạch, giảm thiểu rủi ro về pháp lý và chất lượng.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Long, đại diện Văn phòng SPS Việt Nam đã thông tin đến các đại biểu về thị trường, những vấn đề thường gặp trong hoạt động xuất khẩu hàng nông thủy sản, trái cây, những cơ hội cũng như định hướng xuất khẩu, phổ biến các thông tin, quy định đối với hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Qua đó, giúp các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc cập nhật kịp thời các cơ hội, hiểu rõ thị trường tiêu thụ của Trung Quốc, đáp ứng các yêu cầu thị trường.

hanoimoi.vn