Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xuất khẩu rau quả xác lập kỷ lục mới



Xuất khẩu rau quả tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, dự báo với đà tăng trưởng hiện nay sẽ nâng trị giá xuất khẩu hàng rau quả vượt mục tiêu đặt ra là 5,5 tỷ USD trong năm 2023. 

Vùng sản xuất rau an toàn Văn Đức (xã Văn Đức, huyện Gia lâm) là một trong những vùng sản xuất rau lớn nhất thành phố Hà Nội, với diện tích khoảng hơn 250 ha. Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, tuy nhiên nhóm rau quả đã lần đầu dẫn đầu ngành nông nghiệp, vượt các nhóm chủ lực như gạo, hạt điều, cà phê, sắn...

 

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, các mặt hàng rau quả của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu đến các thị trường Trung Quốc (3,2 tỷ USD, tăng 164,7%), Mỹ (212 triệu USD, giảm 3%), Hàn Quốc (187 triệu USD, tăng 35%), Nhật Bản (151 triệu USD, tăng 7%)… Trong đó, thanh long, mít, sầu riêng, dưa hấu, bưởi và nhãn là những loại trái cây có khối lượng xuất khẩu lớn nhất, có mức tăng trưởng từ 40-200% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nông dân Hợp tác xã dưa hấu VietGAP (xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) thu hoạch dưa phục vụ xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch. Đặc biệt, rau quả Việt Nam xuất sang thị trường này, ngoài sầu riêng đang rất được ưa chuộng, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm mít, thanh long…, điều này kỳ vọng xuất khẩu thanh long sẽ có sự hồi phục trở lại. Mới đây, trái dừa đã được cấp “visa” sang Mỹ và cùng với việc đàm phán xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm từ dừa sang Trung Quốc, thời gian tới trái dừa Việt Nam được kỳ vọng sẽ nhanh chóng trở thành mặt hàng tỷ USD. 

 

Riêng mặt hàng sầu riêng, trong 10 tháng của năm 2023, xuất khẩu sầu riêng ước đạt 1,82 tỷ USD. Cùng với sầu riêng, bưởi cũng trở thành điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu rau quả bởi theo số liệu sơ bộ từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong năm 2023, bưởi đã ghi danh là loại quả có kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu trái bưởi đạt 29,6 triệu USD, tăng 144% so với cùng kỳ năm 2022, mức tăng mạnh nhất trong vòng 5 năm qua.

Đắk Lắk chú trọng thu hoạch cà phê quả chín đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Bên cạnh những nỗ lực đáp ứng tốt về tiêu chuẩn chất lượng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngành sẽ tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho rau quả Việt sang các thị trường tiềm năng, đặc biệt là thị trường có giá trị cao. Riêng với Trung Quốc là nghị định thư về các mặt hàng gồm: Dưa hấu từ mặt hàng xuất khẩu truyền thống chuyển sang ký nghị định thư để chuẩn hóa quy định; sầu riêng lạnh, ớt, dược liệu và trái cây có múi. Nếu giải quyết được đồng bộ các vấn đề trong xuất khẩu các mặt hàng này, thì việc giao thương sẽ rất thuận lợi, tốc độ tăng trưởng còn lớn hơn rất nhiều.

 
 

Đồng thời, ngành nông nghiệp Việt Nam đang khẩn trương thúc đẩy xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm dịch từ các thị trường nhập khẩu. Có như vậy, ngành hàng rau quả và xuất khẩu rau quả mới đạt được tăng trưởng bền vững, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành rau quả thời gian tới.

Báo Ảnh VN