Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bưởi đường La Tinh - giống quả quý Hà Nội



Bưởi đường La Tinh vừa được chứng nhận công bố chỉ dẫn địa lý. Đây là một trong những giống bưởi quý của Hà Nội.

Với việc hình thành mô hình trồng bưởi La Tinh, Hà Nội không chỉ khôi phục được giống cây ăn quả quý mà còn nhân rộng và mở hướng đi mới cho giống bưởi đặc sản này. Theo ngành Nông nghiệp Thủ đô, trong 12 loại bưởi của Hà Nội, bưởi đường La Tinh là ngon nhất, bảo quản được lâu nhất.

cay-buoi-la-tinh-co-tren-70-nam.jpg
Vườn bưởi đường La Tinh tại huyện Hoài Đức có hơn 70 năm.

Cây trồng giá trị cao

Bưởi đường La Tinh là giống bưởi chỉ có tại thôn La Tinh, xã Đông La (huyện Hoài Đức). Theo chân cán bộ Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đến thăm vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Ngọc Giàng trong thôn, thưởng thức từng múi bưởi ngọt, thơm, vàng mới hiểu tại sao người dân nơi đây gọi là bưởi quý. Ông Giàng cho hay, một số cây bưởi La Tinh trong vườn nhà cũng ngót “50 tuổi”. Giống bưởi này, cây già thì quả càng nhỏ lại càng ngon.

Chia sẻ rõ hơn về giống bưởi đặc sản này, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, bưởi đường La Tinh có độ brix (ngọt) đạt 13-14%; đặc biệt là không he, ăn ngon, ngọt và giòn tôm.

Cũng theo bà Hòa, Hà Nội có khoảng 12 giống bưởi khác nhau. Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã thực hiện “Kế hoạch phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội giai đoạn 2021-2025” trên 30 mẫu bưởi đường La Tinh trồng tại xã Đông La và 40 mẫu bưởi đối chứng. Kết quả, xét ở độ brix và đường tổng số, bưởi đường La Tinh đều cao hơn hẳn các loại bưởi đối chứng là bưởi Diễn, bưởi Quế Dương và bưởi Sửu. Ở chỉ tiêu độ brix, các loại bưởi đối chứng có giá trị trung bình từ 9,52-12,14%, thấp hơn bưởi đường La Tinh từ 10,83-30,08%. Còn với chỉ tiêu đường tổng số, bưởi đường La Tinh cao hơn các giống đối chứng từ 22,31-32,84%. Chính vì vậy, bưởi đường La Tinh có vị ngọt ít loại bưởi nào sánh kịp.

“Còn so với chính các loại bưởi đường khác, dựa theo bộ cơ sở dữ liệu ADN trực tuyến của Trung tâm Tài nguyên thực vật, các giá trị độ brix và đường tổng số của một số giống bưởi đường như bưởi Bằng Luân (độ brix 11,50%; đường tổng số 8,64%), bưởi Hoàng (độ brix 11,50%; đường tổng số 6,75%), bưởi Hiệp Thuận (độ brix 11,20%; đường tổng số 7,50%), bưởi đường Hooc Môn (độ brix 9,80%; đường tổng số 6,80%) đều thấp hơn so với bưởi đường La Tinh.

Ngoài ra, bưởi đường La Tinh còn có một lợi thế lớn là bảo quản trong một thời gian dài với môi trường tự nhiên, độ ngon và chất lượng quả vẫn bảo đảm sau thu hoạch từ 6 đến 8 tháng, thậm chí cả năm mà không bị khô tôm, vỏ ít bị héo…”, bà Hòa chia sẻ.

anh-2-buoi-la-tinh-.jpg
Cán bộ ngành Nông nghiệp khảo sát vườn bưởi đường La Tinh tại huyện Hoài Đức.

Hiện tại, nhiều hộ trồng bưởi đường La Tinh bảo quản bằng cách sử dụng chum vại đậy kín hoặc túi nilon bọc từng quả. Cách làm này giúp cho quả ít tiếp xúc với không khí, hạn chế thoát nước, tạo môi trường khô ráo, yếm khí, tránh sự xâm nhập và sinh sôi của nấm mốc cũng như các vi sinh vật gây thối quả. Bởi thế, giữa tiết trời nóng nực của mùa hè, người dân thôn La Tinh vẫn có bưởi bán và đãi khách, lúc đó giá bưởi trái vụ này lại được người tiêu dùng trả giá cao.

Với nhiều ưu điểm vượt trội, bưởi La Tinh có giá bán khá cao. Theo người dân trồng bưởi La Tinh, mỗi quả bán 20.000-30.000 đồng, trung bình mỗi cây thu được 10 triệu đồng/vụ, cao nhất có cây cho tới 17,5 triệu đồng. Do vậy, chỉ cần vài cây bưởi là người dân cũng có thu nhập ổn định, bảo đảm đời sống.

Khôi phục và nhân rộng

Theo bà Hoàng Thị Hòa, hiện trên địa bàn huyện Hoài Đức có khoảng 360ha bưởi, chủ yếu là các giống bưởi Diễn, Quế Dương và La Tinh. Tuy nhiên, bưởi Diễn là giống mang từ nơi khác về, còn bưởi Quế Dương và bưởi La Tinh là giống địa phương, mang nhiều nét khác biệt, độc đáo nên rất cần nghiên cứu.

anh-3-cong-bo-buoi-la-tinh.jpg
Bưởi đường La tinh được công nhận và công bố chỉ dẫn địa lý.

Hiện tại, thôn La Tinh còn khoảng 1.400 cây bưởi đường La Tinh. Hầu hết các hộ trong thôn đều có một vài cây, từ 50-70 năm tuổi. Nhìn từ xa, loại cây này có sự khác biệt so với các loại bưởi khác, cây cao, tán rộng, rất đẹp và mát. Đặc biệt, quả bưởi có thể bảo quản lên đến hàng năm. Chính vì vậy, bưởi đường La Tinh Hoài Đức từ lâu đã lấy được lòng của những thực khách sành ăn gần xa.

Tuy nhiên, diện tích trồng bưởi đường La Tinh Hoài Đức đang ngày càng thu hẹp, do quá trình đô thị hóa nhanh. Do đó, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng chương trình khôi phục, bảo tồn và nhân rộng giống bưởi này. Đáng chú ý, tối ngày 27-12, tại Lễ hội nông sản thành phố Hà Nội năm 2023, bưởi đường La Tinh chính thức được công nhận và công bố chỉ dẫn địa lý.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, việc hoàn thành chỉ dẫn địa lý cho giống bưởi quý này, góp phần bảo tồn nguồn gen bản địa quý, thúc đẩy kinh tế địa phương thông qua việc gắn kết công tác bảo tồn với phát triển du lịch nông nghệp, tạo ra sản phẩm truyền thống bền vững, đa giá trị, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với vùng ven đô của thành phố Hà Nội.

Báo Hà Nội mới