Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xúc tiến, kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trong khi Hà Nội mới chủ động được một phần nông sản, thực phẩm còn lại phải nhập khẩu từ các tỉnh, thành phố về bảo đảm nguồn cung cho người tiêu dùng Thủ đô. Vì vậy, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã để cung cấp nông sản, thực phẩm về Hà Nội tiêu thụ một cách ổn định, an toàn thực phẩm.



Tiêu thụ nông sản qua hội chợ, diễn đàn, festival

Hà Nội mới cung ứng các sản phẩm nông lâm thủy sản của Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với các sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm, các nông sản thực phẩm khác khả năng đáp ứng khoảng 60%. Lượng hàng hóa nông sản còn thiếu và các sản phẩm đặc sản vùng miền phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân Thủ đô, khách du lịch được các kênh phân phối, doanh nghiệp, siêu thị, đơn vị Hà Nội khai thác từ các tỉnh, thành phố và một phần nhập khẩu.

xuc-tien.jpg
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đẩy mạnh công tác kết nối xúc tiến tiêu thụ nông sản.

Nhằm nâng cao, chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông lâm thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở xây dựng, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiến tiến theo tiêu chuẩn quốc tế như: GlobalGAP, HACCP, ISO 22000 nhằm nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm. Đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ, hướng dẫn được 95 cơ sở xây dựng, áp dụng và được cấp chứng nhận chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo HACCP, 35 cơ sở xây dựng tiêu chuẩn cơ sở sản phẩm nông sản chế biến và 45 cơ sở được hướng dẫn xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thường xuyên phối hợp với các tỉnh, thành phố cung cấp, trao đổi các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền về phát triển nông nghiệp, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong khuôn khổ chương trình phối hợp, trong năm 2023 nhiều hoạt động kết nối giao thương được các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố triển khai với trên 50 sự kiện, chương trình như: Hội nghị, diễn đàn, hội chợ; festival, tuần lễ kết nối, giới thiệu, trưng bày sản phẩm nông lâm thủy sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội...

Nhiều sản phẩm nông sản của các tỉnh, thành phố... được thông tin đến các đơn vị phân phối, siêu thị, chợ, cửa hàng trái cây, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tại Hà Nội để chủ động kết nối tiêu thụ. Hà Nội cũng tiếp tục thông tin, kết nối 1.130 đầu mối sản phẩm nông, lâm, thủy sản của của 45 tỉnh, thành phố đến các cơ sở, doanh nghiệp, đơn vị phân phối thực phẩm trên địa bàn thành phố.

gian-hang-cua-cac-tinh.jpg
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tham quan các gian hàng tiêu thụ nông sản của các tỉnh, thành phố về Hà Nội bán tại hội chợ.

Nhiều nông sản thực phẩm các địa phương được các đơn vị Hà Nội hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu được người dân Hà Nội biết đến như: Sản phẩm thành phố Hà Nội (bưởi Diễn, gà đồi Ba Vì, gà mía Sơn Tây, giò chả Ước Lễ, gạo Bảo Minh...), sản phẩm tỉnh Yên Bái (gạo Séng cù, nếp Tú Lệ; cam Văn Chấn; thịt trâu, lợn gác bếp...). Tỉnh Lạng Sơn (na Chi Lăng, măng ớt, quế, hồi...); tỉnh Bắc Giang (vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ chũ...); tỉnh Hòa Bình (cam Cao Phong, cá sông Đà, bưởi đỏ Tân Lạc, chuối Viba...); tỉnh Hải Dương (vải thiều Thanh Hà, cá Hải Dương...).

Hỗ trợ thông tin thị trường cho các doanh nghiệp

Để tăng cường kết nối giao thương nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới, Hà Nội và các tỉnh tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn các tỉnh, thành phố tại thành phố Hà Nội. Hà Nội cần hỗ trợ thông tin thị trường cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh của các tỉnh qua các chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối cung cầu trên nền tảng kỹ thuật số để nắm rõ thông tin cung cầu giữa hai bên nhằm đẩy mạnh tiêu thụ.

Bên cạnh đó, tiếp tục thông tin, phối hợp trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, giám sát, thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ và ngược lại; hợp tác trong công tác kiểm dịch động vật liên tịch, phòng, chống dịch bệnh trên động vật, thủy sản; phát triển sản xuất rau an toàn, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; quản lý vật tư nông nghiệp (giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...).

Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện các chương trình liên kết vùng thúc đẩy quan hệ hợp tác, phát triển kinh tế xã hội với các địa phương trong cả nước, từng bước cụ thể hóa chủ trương “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

buoi-xuc-tien.jpg
Lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội đưa doanh nghiệp kết nối tiêu thụ bưởi cho nông dân huyện Chương Mỹ.

Về lâu dài, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục rà soát các sản phẩm đặc sản có thế mạnh của vùng miền để gắn kết những tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng, số lượng với thị trường, phù hợp với nhu cầu thị hiếu, cân đối cung cầu trên thị trường, tránh việc sản xuất cung vượt cầu. Đặc biệt, các địa phương cần tập trung nâng cao giá trị sản phẩm; người dân Hà Nội sẵn sàng mua đặc sản, sản phẩm chất lượng tốt với mức giá cao.

Thực tế cho thấy, việc kết nối nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ nhằm giải quyết bài toán tiêu sản phẩm, nhưng các địa phương cần chỉ đạo các đầu mối cung ứng cung cấp những thông tin cụ thể số lượng hàng hóa tới các tỉnh cũng như Hà Nội để liên kết các đầu mối cung cầu và phải coi trọng chất lượng nông sản, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để cung ứng cho thị trường Hà Nội.

Hà Nội mới