Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nội: Chủ động nguồn cung, mở thêm 5 điểm chợ đầu mối

Với phương châm Hà Nội chủ động nguồn cung, Thành phố đã chỉ đạo Sở NN&PTNT cơ cấu lại vùng trồng rau, tăng trồng các loại rau ăn lá, rau ngắn hạn để phục vụ nhu cầu tự cung tự cấp trên địa bàn. Để giãn cách các chợ đầu mối, Thành phố cũng dự kiến mở thêm 5 điểm chợ đầu mối.


Hà Nội dự kiến mở thêm 5 điểm chợ đầu mối. Ảnh minh họa

Đó là thông tin đưa ra tại cuộc họp trao đổi thông tin của TP. Hà Nội ngày 6/8 với các cơ quan báo chí về việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống COVID-19 trên địa bàn.

Tại cuộc họp, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, khi một số chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng tiện ích phải đóng cửa do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Sở đã có phương án bảo đảm cung cấp hàng hóa cho người dân.

Thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương, Sở NN&PTNT giãn cách các chợ đầu mối trên địa bàn, mở thêm một số điểm chợ đầu mối theo.

Cụ thể, 5 điểm chợ đầu mới được đề nghị là: Bến xe Hà Đông, Khu công nghiệp Nam Hà Nội, khu tái định cư Tân Dược (Sóc Sơn), điểm tại 489 Hoàng Quốc Việt và tại Gia Lâm, nhằm bảo đảm thông thoáng tại cửa ngõ, để hàng hóa từ các tỉnh không vào sâu trong nội thành.

Sở Công Thương cũng đã yêu cầu các hệ thống phân phối bảo đảm nguồn cung hàng hóa với mức dự trữ gấp 3 lần so với các tháng bình thường với tổng giá trị 194.000 tỷ đồng; các doanh nghiệp cũng tăng dự trữ tại kho của siêu thị, khu trung tâm, của nhà sản xuất để bảo đảm nguồn cung.

Trong thời điểm thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND, Thành phố đã ban hành các văn bản để tháo gỡ kịp thời các vấn đề vướng mắc ở thời gian đầu thực hiện giãn cách xã hội như cấp "luồng xanh" bị chậm, vận chuyển hàng hóa bị ùn ứ. Bà Phương Lan cho biết, sau 3 ngày kể từ khi thực hiện giãn cách, đã không còn hiện tượng ùn ứ, tháo gỡ cơ bản khó khăn về vận chuyển.

Sở Công Thương cũng thường xuyên nắm bắt giá cả thị trường, điều phối nguồn hàng phục vụ người dân, đến nay hàng hóa đáp ứng đủ yêu cầu, chưa có hiện tượng thiếu hàng; khi các địa phương phát hành phiếu đi chợ, người dân thực hiện nghiêm túc.

Các doanh nghiệp đã phối hợp tổ chức bán hàng lưu động khi chợ dân sinh, hệ thống phân phối bị đóng cửa do dịch.

Đến nay trên địa bàn Thành phố có khoảng 800 điểm (sắp tới sẽ thêm 472 điểm) bán hàng lưu động phục vụ hàng thiết yếu. Bên cạnh đó là các điểm bán hàng của Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên phối hợp với các hợp tác xã để.

Về bán hàng qua thương mại điện tử, người giao hàng do Sở GTVT cấp mã được phép vận chuyển, hoạt động bình thường, bảo đảm thêm nguồn cung cấp thực phẩm cho người dân.

Với phương châm Hà Nội chủ động nguồn cung, Thành phố đã chỉ đạo Sở NN&PTNT cơ cấu lại vùng trồng rau, tăng trồng các loại rau ăn lá, rau ngắn hạn để phục vụ nhu cầu tự cung tự cấp trên địa bàn. Bên cạnh đó, dự phòng hàng hóa từ một số tỉnh tại miền Trung, Tây Nguyên để sẵn sàng thay thế nguồn cung nếu các tỉnh phía bắc đang cung ứng cho Hà Nội có dịch.

Báo Chính phủ (H)