Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát huy vai trò phụ nữ tham gia chuỗi tiêu thụ nông sản

Những năm gần đây, hoạt động liên kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn theo chuỗi giá trị ngày càng phát triển mạnh mẽ. Để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy vai trò của phụ nữ về tiêu thụ nông sản, thực phẩm sạch.


Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội mua hàng tại hội chợ giới thiệu sản phẩm sạch.

Hiệu quả bước đầu

Phụ nữ là lực lượng chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời có vai trò đặc biệt quan trọng trong các khâu cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy, từ năm 2021 đến nay, các cấp Hội đã kết nối, hỗ trợ nông dân trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành phố trong cả nước tiêu thụ hơn 2.500 tấn nông sản; tổ chức các ngày hội trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp sáng tạo của phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ xây dựng thương hiệu nông sản. Các cấp Hội cũng đẩy mạnh thương mại điện tử nhằm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh của địa phương, kết nối nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Hội phối hợp tổ chức trang thông tin điện tử “Chợ nhà mình”, chương trình “Làng đặc sản” kết nối các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm chất lượng cao... Thông qua đó, sản lượng tiêu thụ nông sản an toàn trên thị trường ngày càng tăng, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.

Ở góc độ người sản xuất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ cho hay, 4 năm qua, Công ty đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hơn 400 cuộc hội thảo cho hơn 35.000 hội viên phụ nữ tiếp cận, dùng thử, mua, sử dụng sản phẩm. Qua đó, chuỗi sản xuất dần tạo được uy tín, được nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ biết đến và sử dụng.

Tại các phường, hội viên phụ nữ đã đứng ra và nhận làm điểm cung cấp thực phẩm an toàn của chuỗi vừa thuận tiện cho người tiêu dùng vừa được sử dụng sản phẩm an toàn, chất lượng. Bên cạnh đó, nhà sản xuất cũng được quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đến nay, thành lập được hơn 100 điểm bán hàng tại 12 quận đang hoạt động tích cực.

Cũng về vấn đề này, theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản theo chuỗi liên kết, ngành Nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn thể, trong đó có Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp thông qua các buổi tập huấn, tuyên truyền về sử dụng thực phẩm sạch. Nhờ đó, các chuỗi với 1.379 sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ và được phân phối tại 110 siêu thị, hơn 1.400 cửa hàng kinh doanh tổng hợp, 300 cửa hàng chuyên kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố. Mỗi ngày, các chuỗi cung cấp cho thị trường Hà Nội hơn 60 tấn thịt lợn, 2 tấn thịt bò, 36 tấn gia cầm, 300.000 quả trứng, 40 tấn thịt chế biến, 80 tấn sữa tươi và gần 100 tấn rau an toàn.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tham gia của phụ nữ trong phát triển chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn trong tình hình mới còn nhiều mặt hạn chế và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Việc phối hợp kết nối cung cấp, tiêu thụ sản phẩm còn mang tính kỳ cuộc, thiếu tính kế hoạch nên tính bền vững chưa cao. Một số mô hình sản xuất do phụ nữ làm chủ hoạt động còn mang tính tập quán truyền thống, thủ công, chưa bảo đảm đầy đủ tiêu chí, quy chuẩn; còn thiếu kinh nghiệm trong quảng bá sản phẩm...

Để phát huy vai trò phụ nữ tham gia tiêu thụ chuỗi nông sản, theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội Nguyễn Thị Hảo, Trung tâm tiếp tục có sự đổi mới, tăng cường hoạt động và tạo mô hình phù hợp trong điều kiện mới, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh do nữ làm chủ; hỗ trợ xây dựng mạng lưới kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua hệ thống tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội, các hoạt động sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm an toàn của phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử.

Theo bà Đinh Thị Hải Yến, chủ cơ sở chuỗi thực phẩm sạch Từ Tâm (quận Thanh Xuân), thời gian tới, các sở, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ các kênh tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, trong đó có Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đưa công tác tuyên truyền giới thiệu thực phẩm hướng hữu cơ vào chương trình công tác Hội.

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn; phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn; tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm an toàn, đặc sản vùng miền phục vụ người tiêu dùng; phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Hà Nội mới